Sống Tỉnh Thức trong Đạo Phật được hiểu như thế nào?

Sống Tỉnh Thức trong Đạo Phật

Hôm nay, website cuocsongtotdep.com cùng tìm hiểu Chủ đề: Sống Tỉnh Thức trong Đạo Phật được hiểu như thế nào?

Tỉnh thức là quay lại quan sát chính mình. Để biết được thân và tâm mình tại thời điểm đó là như thế nào? Một việc tưởng chừng rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được.

12. Thế Tôn bảo các vị Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, các Ngươi phải sống an trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðó là lời dạy của Ta cho các Ngươi.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo an trú chánh niệm? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với thân, quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi ở trên đời, đối với các cảm thọ… đối với tâm… đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi ở trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là chánh niệm. (Quán Tứ Niệm Xứ)

13. Này các Tỷ-kheo thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ Kheo tỉnh giác khi đi tới, đi lui, tỉnh giác khi ngó tới, ngó lui; tỉnh giác khi co tay, duỗi tay, tỉnh giác khi mang áo sanghati (tănggià-lê) mang bát, mang y, tỉnh giác khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nếm, tỉnh giác khi đại tiện, tiểu tiện; tỉnh giác khi đi; khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải sống an trú chánh niệm tỉnh giác. Ðó là lời dạy của Ta cho các Ngươi.

Trích Kinh Đại Bát Niết Bàn – Kinh Trường Bộ Page 179 of 466 – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ.

Tại sao Tỉnh Thức lại khó làm được?

Lối sống theo thói quen không tỉnh thức:

Thói quen của con người là quan sát xung quanh hướng sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ra bên ngoài. Mà đối tượng của sáu căn là sáu trần: sắc trần, hương trần, thanh trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. Khi căn tiếp xúc với trần thì sẽ có cảm thọ và sinh ra tâm tham, sân hay si. Làm tăng thêm chất chồng phiền não vào tâm.

Chức năng Triền Cái của Tâm:

Đức Phật nói Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa đến, chỉ có hiện tại là thực. Nhưng tại sao quan sát chính bản thân lại khó khăn đến vậy. Bởi vì, một phần chức năng của tâm gây ra. Tâm có hai chức năng chính là kiết sử (trói buộc) và triền cái (che mờ). Chính chức năng triền cái này đã che mờ làm tâm không còn sáng suốt. Nên người đời hay nói nóng mất ngon, giận mất khôn, tham sẽ không thể sáng suốt…

Chính triền cái này, mà mọi việc trên đời xảy ra, ta chỉ quan sát đối tượng gây ra tâm (bên ngoài), chứ mấy người quan sát chính Tâm mình lúc đó (chính mình). Đức Phật chỉ ra cho chúng ta thấy Năm tâm triền cái lớn là: tham, sân, nghi, hôn trầm – thụy miên và trạo hối. Khi một trong năm tâm này xuất hiện, nó kèm theo chức năng che mờ của tâm triền cái này. Làm cho tâm ta không thể sáng suốt đánh giá vấn đề đúng – sai. Cũng chính triền cái, mà con người làm biết bao điều sai trái. Sống trong vô minh, trong khổ mà không biết, không hay. Tâm sai khiến thân, khẩu, ý làm bao nhiêu việc tà ác trên đời. Tạo nhân quả bất thiện, trôi lăn trong sinh tử luân hồi.

Tâm phóng dật từ thọ – tưởng – hành:

Trong ta có thọ, tưởng, hành (Pháp Trần), Pháp Trần là đối tượng của Ý căn. Đối tượng này nó không chịu ngồi yên, nó luôn luôn hoạt động, lăng xăng, không ngừng nghỉ… Làm cho Tâm – Ý không ở yên (nên không tỉnh thức được). Đức Phật gọi nó là tâm phóng dật. Tâm phóng dật đi từ suy nghỉ này đến suy nghĩ khác, nó tạo ra tâm si mê. Chính si mê này làm tâm tăm tối, không thể định tâm (không tỉnh thức được). Lục tổ đã nói một tâm khởi chủng chủng tâm khởi là đang nói đến tâm phóng dật này. Bởi vậy mới có câu: tâm viên ý mã (tâm như con khỉ, ý như con ngựa).

Ý nghĩa của Sống Tỉnh Thức

Vậy Sống tỉnh thức thì giúp được gì cho quá trình tu tập giải thoát của chúng sinh. Mà Đạo Phật được gọi là Đạo Tỉnh Thức. Tỉnh thức là sống trong từng giây phút ở hiện tại, biết rõ thân và tâm mình như thế nào? Thân đang khỏe biết thân khỏe, thân đau biết thân đau, đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, nằm biết nằm, nhúc nhích biết đang nhúc nhích… Tâm tham biết đang tham, thâm sân biết sân… biết thân và tâm trong từng Sát Na hiện tại (tương đương 0.013 giây, đơn vị thời gian nhỏ nhất trong Đạo Phật). Cách quán chiếu thân – tâm, giúp tâm luôn định tỉnh, không loạn động sinh ra nhiều tâm. Mà một tâm sinh ra một phiền não. Khi quán chiếu về thân – tâm thành thục, ta sẽ nhận thấy những hành động, ý khởi dù là nhỏ nhất ở thân – tâm.

Sống Tỉnh Thức là có Trí Tuệ

Sống Tỉnh Thức giúp làm chủ thân và tâm mình. Do làm chủ được thân tâm, ta biết rõ lúc sinh – lúc trụ – lúc hoại diệt của nó. Ta từ từ đoạn diệt tâm bất thiện (hay cả tâm thiện), nên không hành động tạo nghiệp bằng thân – khẩu – ý. Dần dần tâm ta không phóng dật, tâm sẽ thanh tịnh. Giải thoát khỏi phiền não chứng niết bàn.

Quá trình quán chiếu thân tâm không phải là việc dễ dàng, đòi hỏi người con Phật luôn luôn nỗ lực tinh tấn. Không ngừng quán chiếu trong thời gian dài. Để đạt nhất tâm không vọng loạn, chứng ngộ niết bàn.

Người Tỉnh Thức luôn Chánh Niệm

Bởi vậy để giữ tâm tỉnh thức liên tục là một việc không dễ dàng. Nhất là cuộc sống con người, hằng ngày tiếp xúc với muôn ngàn sự vật, hiện tượng. Luôn toan tính đủ đường, không dễ chánh niệm tỉnh giác. Bởi vậy các bậc tu hành ngày xưa phải vào rừng sâu, cốc vắng… tránh xa con người để tạo thuận duyên dễ dàng cho tâm tỉnh thức.

Thực hành thiền quán để tỉnh thức

Quán thân – tâm dễ dàng, quá trình thực hành thiền quán. Đức Phật đã thuyết trong kinh tứ niệm xứ: quán thân trên thân, quán thọ trên cảm thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp.

Thực hành thiền định Nhất Tâm

Hay quán hơi thở về thân thọ tâm pháp: 16 hơi thở thiền…

Quá trình tu hành là quá trình chuyển đổi trạng thái tâm. Từ tâm vọng động, tâm bất thiện thành tâm từ – tâm bi – tâm hỷ – tâm xả. Cuối cùng không sinh tâm khi cảnh xuất hiện.

Để tâm tỉnh thức – thanh tịnh là một quá trình tu hành lâu dài đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đòi hỏi quý Hiền giả phải tinh tấn, nổ lực mới mong tinh tiến trên bước đường tu đạo giải thoát.

Cảm ơn quý độc giả đã bỏ thời gian quý báu để đọc Chủ đề: Sống Tỉnh Thức trong Đạo Phật. Cầu chúc quý độc giả Thân an – Tâm lạc, luôn an bình trong ánh từ quang của Mười Phương Chư Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bài viết được đề xuất

8 Bình luận

  1. […] Sống Tỉnh Thức trong Đạo Phật được hiểu như thế nào? […]

  2. Tỉnh thức là quay lại quan sát chính mình. Để biết được thân và tâm mình tại thời điểm đó là như thế nào? Một việc tưởng chừ rất đơn giản như không phải ai cũng làm được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Pin It on Pinterest