79. TIỂU KINH SAKULUDAYI (Cùlasakuludàyi Sutta)

79. TIỂU KINH SAKULUDAYI (THIỆN SANH ƯU ÐÀ DI) (Cùlasakuludàyi Sutta)

Chúng sinh còn phước duyên nên vẫn còn giữ được Những lời Phật Thuyết. Kinh 79 TIỂU KINH SAKULUDAYI (THIỆN SANH ƯU ÐÀ DI) (Cùlasakuludàyi Sutta) – Trung Bộ. Tạng Kinh Nikaya – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF. Quý Phật tử đọc kỹ và tìm hiểu thật kỹ những từ mà Đức Phật sử dụng, hiểu để sống đúng như Phật, thực hành hằng ngày và giải thoát. Cuộc sống tốt đẹp chúc quý Phật tử Thân an – Tâm lạc.

Tóm tắt nội dung chính 79. TIỂU KINH SAKULUDAYI (THIỆN SANH ƯU ÐÀ DI) (Cùlasakuludàyi Sutta) – Trung Bộ:

Thế Tôn thuyết cho du sĩ Udayi:

— Này Udayi, có một thế giới nhứt hướng lạc; có một đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.

— Bạch Thế Tôn, thế nào là đạo lộ hợp lý ấy đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc?

— Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng đắc và trú Thiền thứ nhất. Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm, với tứ.

Sau khi diệt tầm và tứ chứng đắc và trú Thiền thứ hai. Một trạng thái hỷ lạc do định sanh không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng và trú Thiền thứ ba.

Như vậy, này Udayi là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.

— Bạch Thế Tôn, đạo lộ ấy không phải là đạo lộ đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc. Chứng đắc như vậy, bạch Thế Tôn (phải chăng) là thế giới nhứt hướng lạc?

— Này Udayi, chứng đắc như vậy chưa phải là thế giới nhứt hướng lạc. Ðạo lộ ấy chỉ là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc. Khi được nói vậy, hội chúng của du sĩ Sakuludayi lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng như sau:

— Ở đây, chúng tôi đã được nghe từ các vị Ðạo Sư. Ở đây, chúng tôi đã được nghe từ các vị Ðạo sư. Chúng tôi không được biết gì hơn như vậy nữa. Rồi du sĩ Sakuludayi sau khi làm cho các vị du sĩ ấy lặng tiếng xuống, liền bạch Thế Tôn:

— Phải đến mức như thế nào, mới là chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc?

— Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, vị ấy chứng và trú Thiền thứ tư. Không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh (Tứ thánh định). Có bao nhiêu chư Thiên được sanh vào thế giới nhứt hướng lạc. Tỷ-kheo cùng đứng với các chư Thiên ấy, cùng nói chuyện, cùng đàm luận. Cho đến mức độ như vậy, này Udayi, mới là chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.

— Bạch Thế Tôn, có phải chỉ vì nhân duyên chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự (chỉ dẫn) của Thế Tôn?

— Này Udayi, không phải chỉ vì nhân duyên chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự (chỉ dẫn) của Ta. Này Udayi, có những pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn. Vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Giống kinh Sa-môn-quả….

— Bạch Thế Tôn, thế nào là những pháp cao thượng hơn, thù thắng hơn. Vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn?

— Ở đây, này Udayi, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải. Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí. Thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn. Lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Lời giảng của HT Thích Thanh Từ (trích từ “Những cánh hoa đàm”):

(…) thường thường mỗi đức Phật có đủ 10 hiệu:

1. Như Lai:

Như là Như Như hay Chơn Như, là thể bất sanh bất diệt, không động nên gọi là “Như”. Tuy thể không sanh không diệt nhưng mà tùy lợi ích chúng sanh. Quý Ngài hằng tùy duyên ứng hiện giáo hóa chúng sanh nên là “Lai”.

2. A-la-hán (bậc Ứng Cúng):

Phật là một đấng đáng cho Nhơn Thiên ứng cúng dường nên gọi là Ứng Cúng.

3. Chánh Biến Tri:

Chánh là chơn chánh. Biến là khắp hết. Tri là hiểu biết. Hiểu biết đúng đắn mà trùm khắp chớ không phải chỉ giới hạn nào, nên gọi là Chánh Biến Tri.

4. Minh Hạnh Túc:

Tức hạnh Tam Minh đầy đủ. Một là Thiên nhãn minh, hai là Túc mạng minh, ba là Lậu tận minh.

5. Thiện Thệ:

là Ngài khéo vượt qua các cõi ở thế giới và các cõi Trời nên gọi là Thiện Thệ. Thiện là khéo, Thệ là vượt qua.

6. Thế gian giải:

Ngài là người hiểu thấu thất cả pháp ở thế gian.

7. Vô Thượng Sĩ:

Đấng vô thượng không ai sánh bằng.

8. Ðiều Ngự Trượng Phu:

Ngài là đấng Ðiều Ngự hay chinh phục được những kẻ trí thức, những người ngoại đạo trong hiện thời.

9. Thiên Nhơn Sư:

Ngài là Thầy của Trời và Người.

10. Phật:

Ngài là đấng giác ngộ (Phật-đà là phiên âm của Buddha).

11. Thế Tôn:

Cả Trời và Người đều tôn quý Ngài.

Danh hiệu Như Lai thường được Đức Phật tự xưng khi Thuyết pháp.

Ðó là 10 hiệu của Phật. Ðọc câu đó là tán thán đức Phật có đầy đủ 10 công đức mà mỗi công đức là một hiệu nên gọi là 10 hiệu.

Ghi chú: Theo cách giảng nầy, HT Thanh Từ đã không đề cập đến danh hiệu “Vô Thượng Sĩ”, đấng vô thượng không ai sánh bằng.

Lòng Tín Ngưỡng Đức Phật:

Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, người ấy suy nghĩ:

“Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, hay bỏ tài sản lớn. Bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Lòng Tin Pháp:

Từ bỏ 3 thân hành ác, thực hành 3 thân hành thiện:

Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết xấu hổ, sợ hãi, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp.

Vị ấy từ bỏ đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt.

Từ bỏ 4 khẩu hành ác, thực hành 4 khẩu hành thiện:

Vị ấy từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời.

Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chuyện chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.

Miệng dễ tạo nghiệp nhất:

Vị ấy từ bỏ nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người; vị ấy nói những lời nói như vậy.

Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

Thủ hộ căn:

Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.

Tỉnh giác:

Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

Quý Phật tử muốn xem và nghe Toàn Bộ Kinh Nikaya Nam Truyền Vẫn Giữ Những Lời Phật Thuyết: Thỉnh Kinh

Một số bài Kinh khác:

Kinh Sa Môn Quả – Trường Bộ Kinh – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF

Kinh Tam Minh – Trường Bộ Kinh – Hòa Thường Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF

Kinh Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF

Kinh Phạm Võng – Kinh Trường Bộ – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ

Kinh Lohicca (Lô-Hi-Gia) – Kinh Trường Bộ – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ Kinh

Đế Thích Sở Vấn – Kinh Trường Bộ – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF

Quý Phật Tự tải file về để đọc trọn bộ 79. TIỂU KINH SAKULUDAYI (Cùlasakuludàyi Sutta) – Trung Bộ (Tạng kinh Nikaya) PDF – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ nhé. Chúc Quý Phật tử Thân an – Tâm lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Pin It on Pinterest