Con đường trung đạo là gì?

Con đường trung đạo là gì?

Cùng cuocsongtotdep.com tìm hiểu giáo lý căn bản đầu tiên Đức Phật thuyết. Con đường trung đạo là gì?

Con đường trung đạo chính là con đường mà Đức Phật đi để dẫn đến cõi niết bàn an lạc. Đây là con đường mới, hoàn toàn khác với con đường hưởng thụ dục lạc của thế gian. Và con đường tu hành ép xác vào thời Đức Phật. Đó là con đường thực hiện thiền quán và sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định quán chiếu dưới cội bồ-đề, tìm ra được Đạo.

Con người gồm: Thân và Tâm. Thân và Tâm không thể tách rời nhau, Có ảnh hưởng, bổ trợ lẫn nhau. Thân khỏe thì tâm mới có đủ điều kiện trí tuệ sáng suốt. Ngược lại Tâm an lạc thì Thân sẽ nhẹ nhàn thảnh thơi.

Đức Phật thuyết Con đường Trung Đạo lúc nào?

Đức Phật đã đưa chứng ngộ của mình, để giảng cho 5 vị đệ tử đầu tiên (năm Anh em Kiều Trần Như) trong kinh Chuyển pháp luân. Con Đường được Đức Phật chứng minh được bằng phương pháp thực hành, chứ không phải là niềm tin siêu hình. Con đường này đã loại bỏ 2 quan điểm cực đoan:

Thứ nhất, cực đoan về sự đắm chìm dục lạc

Khi còn là một Thái tử trong hoàng cung: Thái tử đã nhận ra, đời người quá ngắn ngủi. Sinh – Lão – Bệnh – Tử không chừa một ai. Trăn trở để tìm ra con đường thoát khỏi sinh tử luân hồi. Nhận thấy dục lạc thế gian không giúp mình giải thoát. Giàu, sang, phú, quý, lợi danh, vợ đẹp, con xinh… cũng là tạm bợ, được rồi cũng mất. Thái tử muốn tìm cầu giải thoát vĩnh cửu, không còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi nữa. Ngài mới từ bỏ hoàng cung, vợ con để đi tìm cầu học Đạo.

Đức Phật nhận thức rằng dục lạc là trải nghiệm đã bám sát vào tâm tư của chúng sanh. Ngài đã nhận thức một cách sâu sắc đó là sự bám víu nóng bỏng. Trở thành những thỏa thích dục lạc của chúng sinh bình thường.

Hạnh phúc thế gian là tạm bợ

Ngài thấu hiểu những hạnh phúc mà dục lạc thấp kém mang lại, chỉ là hạnh phúc tạm của thế gian. Hạnh phúc thật sự là những hạnh phúc đến từ sự từ bỏ những dục lạc (Hỷ khi tâm xả dục lạc). Vì vậy, Ngài đã dạy nhiều lần về con đường đi tới mục đích tối thượng Nirvana cần phải từ bỏ dục lạc, những khoái lạc thấp hèn, phàm tục vô ích, không dẫn đến mục đích tối thượng.

Thứ hai, cực đoan về sự thực hành lối tu hành xác

Những mục đích nhằm cố gắng đạt được sự giải thoát bằng những cách gây tổn hại, đau đớn cho thân xác của mình. Cách làm này sẽ dẫn đến việc tự hủy hoại bản thân, thân xác ốm yếu, cằn cỗi. Đây là sai lầm lấy thân xác làm nô lệ để cho một tâm thức cội rễ dựa vào lòng tham, sân, si.

Đức Phật đã nói rằng, cực đoan làm đau đớn lên thân xác đều là vô ích, nó không đưa đến mục đích tối thượng Nirvana: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.

Trong 6 năm tu hành khổ hạnh đến cùng cực, Ngài nhận ra: Một cơ thể yếu đuối bệnh hoạn thì chỉ có một tinh thần bạc nhược, u tối mà thôi. Để có thân thể tráng kiện, tinh thần minh mẫn chỉ có cách duy nhất là không tự hành hạ mình, ăn uống đầy đủ, sinh hoạt bình thường.

Vậy Con đường trung đạo là gì?

Con đường trung đạo đứng giữa, xa cách khỏi hai cực đoan kể trên. Con đường này không phải kết hợp giữa 2 cực đoan. Mà có nghĩa là phải vượt qua, vượt lên trên hai yếu tố đó, tránh khỏi những sai lầm nghiêm trọng. Tiến đến con đường đắc đạo dễ dàng hơn.

Ngài truyền những kinh nghiệm đó cho các vị Tôn giả: “Các loại nhục dục đều làm người ta bạc nhược. Tất cả các việc tìm kiếm khoái lạc đều là hèn hạ và thô tục. Nhưng tôi xin nói với chư vị rằng, sự đáp ứng những nhu cầu của đời sống không là việc xấu xa. Giữ thân thể khỏe mạnh là bổn phận đấy, vì nếu không thì quý vị không thể có trí óc mạnh khỏe sáng suốt, và ngọn đèn trí tuệ không thể sáng được”.

Trên đường tu hành cần nhiều thời gian, quét bụi bẩn từ tâm (tâm lậu hoặc) đã ăn sâu gốc rễ, từ vô thỉ. Dẫn chúng sinh trôi lăn trong ba cõi sinh tử luân hồi, muôn ngàn lượng kiếp.

Mục đích của Con đường Trung đạo:

Mục đích của con đường “Trung đạo” là giúp mọi người nhận thức được phiền não có đầy dẫy trong cõi đời. Mà trừ khử vô minh và giải thoát khổ não ra khỏi cuộc sống. Phật khẳng định: “Thật đấy, chư Khất sĩ. Bất cứ một cư sĩ hay tu sĩ nào mà không thấu hiểu được rằng. Sự khổ đau của đời và cách thoát khỏi chúng là mục đích chính của Đạo. Thì theo ý tôi họ không phải là cư sĩ hay tu sĩ. Và suốt đời những ‘ngài cao quý’ ấy chắc cũng sẽ không hiểu nổi ý nghĩa thật của Đạo là gì”.

Ý nghĩa con đường trung đạo là gì?

Con đường Trung đạo hay còn có những tên gọi khác là: Pa.Majjhima patipada, Sa. Madhyamāpratipad, Anh. Middle Way, Việt Hán. Trung đạo 中道.

Con đường Trung đạo dùng để chỉ chung các phương pháp giảng dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni. Những thuyết pháp của ngài tránh những cực đoan trong cách tu học. Không buông thả theo dục lạc và cuộc sống khổ hạnh tuyệt đối.

Giá trị của con đường trung đạo

Trong thuyết pháp, Đức Phật nói:  “Này các thầy Tỳ Kheo! Phép tu hành theo con đường mà Như Lai đã giác ngộ đó là sự tu hành phát triển về tri kiến, nhãn quan, đưa đến trí tuệ cao siêu, sự an tịnh và giác ngộ về Bát Chánh Đạo”.

Con đường trung đạo được thực hành: Thánh đạo tám ngành.

Này chư Hiền, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Ðó là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Chánh Tri Kiến

Này chư Hiền, thế nào là chánh tri kiến? Này chư Hiền, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tri kiến.

Chánh Tư Duy

Này chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tư duy.

Chánh Ngữ

Này chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiến. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh ngữ.

Chánh Nghiệp

Này chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh nghiệp.

Chánh Mạng

Này chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Này chư Hiền, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh mạng.

Chánh Tinh Tấn (4 chánh cần)

Này chư Hiền, và thế nào là chánh tinh tấn? Này chư Hiền, ở đây Tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với cái ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tinh tấn. (Tứ chánh cần)

Chánh Niệm (4 niệm xứ)

Này chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên các tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh niệm. (Tứ niệm xứ)

Chánh Định (4 thiền định và 5 thiền vô sắc)

Này chư Hiền, thế nào là chánh định? Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. (Vị Tỷ-kheo ấy) diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm, (Tỷ-kheo) ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba (Tỷ-kheo ấy) xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định. (Tứ thánh định).

Này chư Hiền, như vậy gọi là Khổ diệt đạo Thánh đế. Trích 141. KINH PHÂN BIỆT VỀ SỰ THẬT (Saccavibhanga Sutta) – Kinh Trung Bộ Page 767 of 809 (Tạng Kinh Nikaya) – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ.

Ứng dụng con đường trung đạo trong thực tại

Qua giáo pháp này, chúng ta biết được rằng mục đích cuộc sống là không hại mình, không hại người. Bản thân cần nỗ lực tránh xa 2 cực đoan bị dục lạc chi phối. Và khổ ải bản thân để đạt được những mục đích tầm thường. Cần chọn lối sống lành mạnh biết đủ, đưa đến tâm trí thanh tịnh.

Đạo Phật là con đường thực hành mới đạt được

Tuy nhiên, Phật lại dạy rằng, sau khi nghe bất cứ giáo lý nào của Ngài. Chúng ta chớ vội tin ngay, làm theo ngay. Mà hãy dùng trí tuệ suy xét thật kỹ trước khi thực hiện (văn, tư, tu). Bởi vì, trí tuệ và từ bi là hai trụ cột chính nâng đỡ ngôi nhà Phật giáo. Nếu không có nó, ngôi nhà đồ sộ đó làm sao đứng vững và tồn tại hơn 2.500 năm nay trước nhiều phong ba bão táp? Cho nên, bất cứ việc làm nào không có sự tham gia của trí tuệ. Nó sẽ trở thành việc xấu hoặc mù quáng. Nó sẽ trở thành cái màn vô minh làm mờ Chánh kiến. Không phát huy được chánh tín, sa đà vào con đường mê tín. Không hiểu được ý nghĩa chân thật của Đạo.

Cảm ơn Quý độc giả đã đọc bài viết này. Chúc quý độc giả Thân an Tâm lạc, luôn an lành trong ánh từ quang của Mười Phương Chư Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bài viết được đề xuất

2 Bình luận

  1. Con đường trung đạo chính là con đường mà Đức Phật đi để dẫn đến cõi niết bàn an lạc. Đây là con đường mới, hoàn toàn khác với con đường hưởng thụ dục lạc của thế gian.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Pin It on Pinterest