Như lý tác ý trong Đạo Phật

Chào quý độc giả thân mến, cùng cuocsongtotdep.com tìm hiểu Pháp môn: “Như lý tác ý trong Đạo Phật”. Pháp môn mà bất kỳ vị Phật tử nào cũng phải nắm rõ. Vì đây là pháp hành căn bản nền tảng. Pháp môn này luôn luôn theo quý hành giả từng Sát Na trong quá trình tu hành giải thoát.

Pháp môn Như lý tác ý là gì?

Đạo Phật là con đường đi ngược lại những thói quen trong đời sống của người phàm phu. Để hướng đến đời sống của Vị Thánh.

Đạo Phật lấy Ý dẫn đầu, Ý làm chủ, Ý tạo tác các Pháp. Nhưng Ý của con người như con ngựa hoang khó thuần phục. Nên muốn thuần phục Ý, Đức Phật đã dạy chúng ta Pháp môn để chế ngự, để điều phục nó. Đó là pháp môn Như lý tác ý.

Như lý là gì?

Nhìn thấy sự vật, hiện tượng bản chất như thật (như lý) là vô thường, khổ, vô ngã. Muốn nhìn thấy được như thật, phải dùng thiền quán Tứ niệm xứ.

Tác ý là gì?

Tác là tác động.

Ý là ý nghĩ.

Tác ý là khả năng tác động để tạo ra một ý nghĩ trong tâm. Thường thì khi mới khởi phát để tạo nên một ý nghĩ, thì chúng chỉ ở dạng thầm kín. Chỉ có ta biết, hay những chúng sinh có tha tâm thông mới biết được

Vậy Như lý tác ý là gì?

Như lý tác ý là pháp hướng dẫn tâm đến giải thoát. Như lý tác ý: là chủ động đưa ý thức (tác ý) về ý thiện (không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sinh), về cái chân như (như lý). Mỗi khi tâm ý khởi tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm mạn, tâm nghi… Ta sẽ tác ý để Tâm không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi…

Như lý tác ý giúp thay đổi tâm, hành động bất thiện hiện tại, trở về tâm thiện một cách tùy ý. Muốn thuần thục pháp môn này cần Thiền quán Tứ Niệm Xứ nhiều, giúp tâm tỉnh thức.

Như lý tác ý tăng thượng tâm

“Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo muốn thực hiện tu tăng thượng tâm (thiền định) thì cần phải thường tác ý năm tướng. Thế nào là năm tướng?

Năm tướng là:

1- Tham

2- Sân

3- Si

4- Mạn

5- Nghi

“Ở đây Tỳ Kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nấy. Các ác bất thiện pháp liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si, liên hệ đến mạn, và liên hệ đến nghi sanh khởi, thời này các Tỳ Kheo. Tỳ Kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện. Không phải tướng kia (ác bất thiện pháp liên hệ đến dục) thì các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục (tham), liên hệ đến sân, liên hệ đến si, liên hệ đến mạn, liên hệ đến nghi được diệt trừ đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.

Như lý tác ý đoạn lậu hoặc

“Này các Thầy Tỳ Kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh, được sanh khởi. Và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”.

“Này các Thầy Tỳ Kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh, không sanh khởi. Các lậu hoặc đã sanh, được đoạn trừ”.

Như lý tác ý quán Pháp vô thường

Này các Tỳ Kheo! Tỳ Kheo nào “như lý tác ý” sắc như thật quán sắc vô thường, vị ấy yểm ly đối với sắc. Do hỷ đoạn tận, tham được đoạn tận. Do tham được đoạn tận, hỷ đoạn tận, tâm được giải thoát, vị ấy được gọi là vị đã khéo giải thoát”.

Như lý tác ý trên các giác chi

Đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ trang 31: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các thầy Tỳ kheo, do pháp ấy các giác chi chưa sanh, không sanh khởi. Và các giác chi chưa sanh, không đi đến tu tập viên mãn. Này các Tỳ kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Thầy Tỳ kheo, các giác chi chưa sanh, không được sanh khởi và các giác chi không đi đến tu tập viên mãn”.

Như lý tác ý để khởi Tâm Từ

Đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Này các thầy Tỳ kheo, như từ tâm giải thoát chưa sanh, không sanh khởi và từ tâm không đi đến tu tập viên mãn, này các thầy Tỳ kheo, không như lý tác ý. Nếu như lý tác ý thời từ tâm chưa sanh, được sanh khởi và từ tâm sẽ được tu tập viên mãn”.

Như lý tác ý đoạn Nghi

Đức Phật dạy: “Ta không thấy pháp nào khác, này các thầy Tỳ kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh, được sanh khởi và nghi hoặc đã sanh, được tăng trưởng rộng lớn, này các thầy Tỳ kheo, nếu không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các thầy Tỳ kheo, nghi hoặc chưa sanh, được sanh khởi và nghi hoặc đã sanh, được tăng trưởng rộng lớn”.

Như lý tác ý đoạn sân

Tăng Chi Bộ: “Ta không thấy một pháp nào, này các thầy Tỳ kheo, đưa đến sân chưa sanh, được sanh khởi và sân đã sanh, được tăng trưởng rộng lớn, này các Tỳ kheo, đó là đối ngại tướng trong tâm. Này các thầy Tỳ kheo, đối ngại tướng trong tâm nếu không như lý tác ý sẽ đưa đến sân chưa sanh, được sanh khởi và sân đã sanh, được tăng trưởng rộng lớn”.

Như lý tác ý năm thủ uẩn

LỜI PHẬT DẠY

“Thưa Hiền giả Sàriputta (Xá Lợi Phất) những pháp gì Tỳ kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?

Này Hiền giả Kotthika, Tỳ Kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, người lạ, ốm đau, người lạ hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

Này Hiền giả Kotthika, vị Tỳ Kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỳ Kheo giữ giới do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Dự lưu”.

Quả Dự Lưu

Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý nữa?

Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika cần phải tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả. Tỳ Kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Nhất lai”.

Quả Nhất Lai

Nhưng Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường…​ vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra.

Này Hiền giả, Tỳ Kheo Nhất Lai do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Bất Lai”.

Quả Bất Lai

Nhưng Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Bất Lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “A La Hán”.

Quả A La Hán đã thành

Nhưng Tỳ Kheo A La Hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Với vị A La Hán, này Hiền giả Kotthika, không có gì phải làm nữa hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm.

Những sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác. (Tương Ưng kinh tập 3 trang 298).

Trong kinh Phật nguyên thủy pháp như lý tác ý được Đức Phật thuyết lặp đi lặp lại rất nhiều. Nó là nền tảng để tu tập để giải thoát.

Chuyện Tôn Bàn Đặc – Pháp môn như lý tác ý

A La Hán Châu Lợi Bàn Đặc! Đắc quả nhờ Như lý tác ý câu “Tẩy sạch bụi bẩn”

Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc là một đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, người kém trí tuệ nhất. Không thể học thuộc dù chỉ một bài Kinh ngắn.

Đức Phật cho ông một tấm vải trắng, và nói: “Này Chu-lợi Bàn-đặc, ông hãy ngồi tại đây, mặt hướng về phía đông, dùng khăn này để lau thân thể và niệm: “Tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn!”

Chu-lợi Bàn-đặc, ông vâng lời Đức Thế Tôn, dùng khăn trắng đó vừa lau thân thể vừa niệm thầm: “Tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn!” Chiếc khăn ban đầu trắng sạch, bây giờ nhớp nhúa do mồ hôi và bụi bặm. Từ đó ông nhận ra, vì thân này mà khăn đã mất hết sự sạch sẽ tinh khiết ban đầu và trở thành nhiễm ô cáu bẩn, nên thốt lên: “Các hành quả thật vô thường!” Ngay khi ấy, ông khai mở tuệ sinh diệt.

Đức Phật liền dạy: “Chu-lợi Bàn-đặc, đừng nghĩ rằng chỉ tấm vải ấy trở thành cáu bẩn, mà ngay trong tâm ông, cũng đầy cấu uế của tham ái, sân hận, và si mê. Ông hãy tẩy sạch chúng”.

Rồi Thế Tôn đọc bài kệ:

Tham mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Tham mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.

Sân mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này,
Sân mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.

Si mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Si mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo Pháp
Của vị không bụi bẩn.

Bản dịch của Hòa thượng Minh Châu

Nghe xong bài kệ, Chu-lợi Bàn-đặc chứng quả A-la-hán và các thần thông, và đắc được trí tuệ phân tích, thông suốt tất cả các bài giảng của Đức Phật.

Cảm ơn quý độc giả đã cùng Cuộc sống tốt đẹp tìm hiểu chủ đề: Như lý tác ý trong Đạo Phật. Chúc quý độc giả luôn Thân an – Tâm lạc. Luôn luôn bình an trong ánh từ quang của Mười Phương Chư Phật

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bài viết được đề xuất

1 Bình luận

  1. Chào quý độc giả thân mến, cùng cuocsongtotdep.com tìm hiểu Pháp môn: “Như lý tác ý trong Đạo Phật”. Pháp môn mà bất kỳ vị Phật tử nào cũng phải nắm rõ. Vì đây là pháp hành căn bản nền tảng. Pháp môn này luôn luôn theo quý hành giả từng Sát Na trong quá trình tu hành giải thoát.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *