Chúng sinh còn phước duyên nên vẫn còn giữ được Những lời Phật Thuyết. 14. KINH ÐẠI BỔN (Mahàpadàna Sutta) – Kinh Trường Bộ. Tạng Kinh Nikaya – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF. Quý Phật tử đọc kỹ và tìm hiểu thật kỹ những từ mà Đức Phật sử dụng, hiểu để sống đúng như Phật, thực hành hằng ngày và giải thoát. Cuộc sống tốt đẹp chúc quý Phật tử Tâm hoan hỷ – Thân khinh an.
Tóm tắt nội dung 14. KINH ÐẠI BỔN (Mahàpadàna Sutta) – Kinh Trường Bộ
Trong Kinh Thế Tôn kể về 6 Vị Phật Chánh Đẳng Giác quá khứ đã từng xuất hiện trước Phật Thích Ca, và khẳng định các chư Phật Chánh Đẳng Giác đều đi đến Thế gian như vậy (Đây là một trong tám điều về Phật Chánh Đẳng Giác dùng danh xưng ‘Như Lai’): Đều đã hoàn thành đủ 30 Ba-la-mật, trước kiếp cuối cùng tái sanh cõi Trời Đâu Suất. Bồ Tát sanh ra, quá trình ngộ đạo, quá trình thuyết pháp, 2 vị đại đệ tử Thanh Văn, vị thị giả đệ nhất, vị đệ tử không bệnh…
Duyên để suy xét để một vị Bồ-tát tái sanh tu tập thành Phật Chánh Đẳng Giác:
Được chư Thiên thỉnh ngài nhập thai bào tu tập thành Phật Chánh Đẳng Giác. Bồ-tát phải suy xét 5 điều trước khi tái-sinh người.
1- Suy xét thời-kỳ tuổi thọ con người:
Tuổi thọ loài người phải từ dưới 100.000 tuổi đến hơn 100 tuổi và trong Kiếp giảm. Tại sao vậy? Vì Đạo Lộ giải thoát là ngộ Tứ Thánh Đế, Nếu tuổi thọ trên 100 ngàn tuổi quá lâu dài, Đức Phật thuyết: “Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; hoặc ngũ uẩn có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, …” thì họ khó hiểu rõ chánh pháp, phát sinh tâm hoài nghi. Vì tuổi thọ quá cao khó nhận thấy được sự thật khổ-tâp-diệt-đạo; hoặc ngũ uẩn có trạng thái tam tướng vô thường-khổ-vô ngã…, cho nên tuổi thọ phải nhỏ hơn 100 ngàn tuổi.
2- Suy xét châu đến tái-sinh.
Loài người (manussa) trong 4 châu lớn (dīpa):
– Uttarakurudīpa: Bắc-cưu-lưu-châu.
– Pubbavidehadīpa: Đông-thắng-thần-châu.
– Aparagoyānadīpa: Tây-ngưu-hóa-châu.
– Jambūdīpa: Nam-thiện-bộ-châu.
Bốn châu này nằm ở 4 hướng của núi Sineru.
Và Nam thiện bộ châu là đủ duyên thành tựu đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Tại vì, Do loài người ở Châu này, có nhiều người hành thiện, tu hành đến tận cùng của Thiện và cũng có nhiều người hành việc ác đến tận cùng Ác (dám tạo 5 tội nghiệp tày trời: giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán, làm thân Phật chảy máu và chia rẽ Tăng-già.)
3- Suy xét xứ sở đến tái-sinh.
Phải là trung tâm trái đất, vì sức nặng của một vì Bồ-tát đã tròn đủ 30 phạm hạnh Ba-la-mật là rất lớn, nếu không tái sanh vào trung tâm trái đất, trái đất không thể chịu nổi. ví như con voi chúa lên chiếc thuyền, phải vào trung tâm thuyền để không nghiêng thuyền và lật chiếc thuyền.
Trung tâm trái đất là Ấn Độ Cổ.
4- Suy xét dòng họ nơi tái-sinh.
Bồ-tát trong kiếp cuối thành Phật chỉ tái sinh vào một trong hai dòng dõi là dòng dõi Vua chúa hoặc dòng dõi bà-la-môn. Nếu thời-kỳ ấy, tất cả mọi người kính trọng dòng dõi nào hơn, thì tái sinh vào dòng dõi ấy.
5- Suy xét tuổi thọ của mẫu hậu, để đầu thai.
Thọ mạng người Mẹ chỉ còn 10 tháng 7 ngày. Vì sao khi sanh một vị tối thượng nhất Tam thiên Đại thiên thế giới này. Phước đó không thể hưởng tròn đủ khi làm loài người, nên sau 7 ngày mạng chung, được tái sanh làm vị Thiên cõi trời Đâu Suất để hưởng Phước báu.
6 Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được kể đến:
4. – Này các Tỷ-kheo, chín mươi mốt kiếp về trước, Thế Tôn Vipassì (Tỳ-bà-thi), bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời.
Này các Tỷ-kheo, ba mươi mốt kiếp về trước, Thế Tôn Sikhì (Thi-khí) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời.
Này các Tỷ-kheo, cũng trong ba mươi mốt kiếp ấy, Thế Tôn Vessabhù (Tỳ-xá-bà) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời.
Này các Tỷ-kheo, cũng trong tiền kiếp ấy, Thế Tôn Kakusandha (Câu-lâu-tôn) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. (Kiếp trái đất hiện tại chúng ta đang sống gọi là Bhaddakappa).
Này các Tỷ-kheo, cũng trong tiền kiếp ấy, Thế Tôn Konàgamana (Câu-na-hàm) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời.
Này các Tỷ-kheo, cũng trong tiền kiếp ấy, Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời.
Này các Tỷ-kheo, cũng trong tiền kiếp ấy, nay Ta, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời.
Cõi địa ngục không gian
Kinh trên ta thấy sự kiện Một vị Bồ-tát nhập bầu Thai là một sự kiện kinh thiên động địa, chấn động mười ngàn thế giới. Một hào quang vô lượng chưa từng có trong các cõi trên và cõi dưới. Hào quang đó chiếu sáng đến tận cõi các địa ngục ở khoảng giữa các thế giới, không nền tảng, u ám, tăm tối (Địa ngục không gian). Chỉ có ánh hào quang vô lượng này mới soi đến, để các chúng sanh ở đó một lần nhìn thấy: xung quanh mình có chúng sanh khác giống mình sống.
Đoạn Kiến phải dọa địa ngục không gian
Địa ngục không gian này dành cho những chúng sanh có quan điểm đoạn kiến, chết là hết không có kiếp sau. Sau khi chết sẽ tái sanh vào địa ngục không gian này (vì địa ngục này ở khoảng không giữa các thế giới nên không bị Hoại trong kiếp Hoại của 4 chu kỳ Đại Kiếp Trái Đất: Thành – Trụ – Hoại – Không).
Đây là địa ngục khủng kiếp nhất, trong Kinh mô tả: chúng sanh ở đây không nhìn thấy nhau, chịu đủ thống khổ, mò mẫm di chuyển trên vách rìa thế giới, phía dưới là dòng sông chứa chất giống axit, rời vào bị tan chảy. Chúng sanh do không thấy nhau nên khi chạm nhau, cứ nghĩ là thức ăn nên lao vào nhau, cùng rớt xuống sông axit rồi chết. Sau khi chết tái sanh lại địa ngục này, cho đến 84 đại kiếp trái đất. (Tà kiến nặng nhất là đoạn kiến)
Bậc Tối Thượng – Bậc Tối Tôn – Bậc Cao Nhất ở trên đời. Đời sống cuối cùng không còn phải tái sinh:
29. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên.
Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau:
“Ta là bậc tối thượng ở trên đời!
Ta là bậc tối tôn ở trên đời.
Ta là bậc cao nhất ở trên đời.
Nay là đời sống cuối cùng,
không còn phải tái sanh ở đời này nữa”.
Pháp nhĩ là như vậy.
Ba hai tướng tốt của bậc Đại Nhân
Quý độc giả đọc Kinh, Dựa vào ba hai tướng tốt của bậc Đại nhân này, quý Phật tử có thể học thuộc để nhìn người hoặc có thể tạo Tượng Phật.
Thấy bốn thiên sứ, bốn cảnh Già, Bệnh, Chết và Đời sống xuất gia.
12 Nhân Duyên là Thế Giới Quan Đạo Phật.
Hiểu được vòng tròn nhân duyên giúp hiểu được mọi pháp đều có nhân duyên tạo nên. Mọi pháp do duyên tạo nên, thì pháp sẽ không tồn tại khi duyên không còn.
Quán duyên diệt của các pháp trong 12 nhân duyên
20. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì không có mặt, già chết không có mặt?
Cái gì diệt, già chết diệt?”
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do sanh không có mặt, già chết không có mặt,
do sanh diệt, già chết diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì không có mặt, sanh không có mặt?
Cái gì diệt, sanh diệt!.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do hữu không có mặt, sanh không có mặt,
do hữu diệt, sanh diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì không có mặt, hữu không có mặt?
Cái gì diệt, hữu diệt?”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do thủ không có mặt, hữu không có mặt,
do thủ diệt, hữu diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì không có mặt, thủ không có mặt?
Cái gì diệt, thủ diệt?”
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do ái không có mặt, thủ không có mặt,
do ái diệt, thủ diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì không có mặt, ái không có mặt?
Cái gì diệt, ái diệt?”
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do thọ không có mặt, ái không có mặt,
do thọ diệt, ái diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì không có mặt, thọ không có mặt?
Cái gì diệt, thọ diệt?”
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do xúc không có mặt, thọ không có mặt,
do xúc diệt, thọ diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì không có mặt xúc không có mặt?
Cái gì diệt, xúc diệt?”
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do lục nhập không có mặt, xúc không có mặt,
do lục nhập diệt, xúc diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì có mặt, lục nhập không có mặt?
Cái gì diệt, lục nhập diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do danh sắc không có mặt, lục nhập không có mặt,
do danh sắc diệt, lục nhập diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Do cái gì không có mặt, danh sắc không có mặt?
Cái gì diệt danh sắc diệt?”
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do thức không có mặt, danh sắc không có mặt,
do thức diệt, danh sắc diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ:
“Cái gì không có mặt, thức không có mặt?
Do cái gì diệt, thức diệt?”
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây:
“Do danh sắc không có mặt, thức không có mặt,
do danh sắc diệt, thức diệt”.
Chính danh sắc là đối tượng quán chiếu, thấy được danh sắc sanh-diệt
21. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Ôi, Ta đã chứng được con đường đưa đến Bồ-đề, nhờ pháp tu quán.
Nghĩa là, do danh sắc diệt, thức diệt;
do thức diệt, danh sắc diệt;
do danh sắc diệt, lục nhập diệt;
do lục nhập diệt, xúc diệt;
do xúc diệt, thọ diệt,
do thọ diệt, ái diệt;
do ái diệt, thủ diệt;
do thủ diệt, hữu diệt;
do hữu diệt, sanh diệt;
do sanh diệt, già, chết, ưu, bi, khổ, sầu, não diệt.
Như vậy, toàn bộ khổ uẩn diệt”.
“Diệt, diệt”. Này các Tỷ-kheo, từ nơi Bồ-tát Vipassì, khởi hành pháp nhãn từ trước chưa từng được nghe, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh (Vô minh diệt), ánh sáng sanh.
Danh sắc trong Phật Pháp là năm uẩn: sắc – thọ – tưởng – hành – thức
22. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau một thời gian sống quán sự sanh diệt trong năm uẩn:
“Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc diệt.
Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ diệt.
Ðây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng diệt.
Ðây là hành, đây là hành tập khởi, đây là hành diệt.
Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức diệt”.
Và đối với Ngài, sau khi sống quán pháp sanh diệt trong năm thủ uẩn, chẳng bao lâu các lậu hoặc được tiêu trừ và Ngài được giải thoát.
Đạo Phật là con đường thực hành đi ngược dòng với chúng sanh cõi tam giới
Tụng Phẩm III.
1. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác liền suy nghĩ: “Nay Ta hãy thuyết pháp”.
Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác suy nghĩ: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu.
Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý “Y tánh duyên khởi pháp” (idapaccayata paticca samuppàda); thật khó mà thấy được định lý ‘tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn.
Điều Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ là siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới thấu hiểu. Nên để dùng ngôn ngữ thế gian mà tuyên thuyết là một việc rất khó để hiểu đúng, hiểu chính xác được.
Chứng ngộ như người mù sáng mắt với mong muốn mô tả những gì trông thấy cho bạn còn mù:
Ví như một người mù với mong muốn: “sau khi ta sáng mắt, sẽ kể lại cho những người bạn còn mù, về thế giới ta thấy khi sáng mắt. Để cho các bạn cũng hiểu được cái ta đã thấy về thế giới.” Nhưng khi nhìn thấy tận mắt rồi, người đó không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả cho những người bạn mù, có thể hiểu đươc cái thấy của mình.
Chứng ngộ được xem như người đã thấy sự thật chân đế: “Tứ Thánh Đế”. Không thể dùng khái niệm tục đế thế gian diễn tả đúng về sự thật đó được. Cũng như người sáng không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả cho người mù biết cái thấy của mình. Chỉ khi nào người đó tự mình sáng mắt họ mới thấy được thôi.
Cõi bậc Thánh Bất Lai Tái Sanh – Cõi Tịnh Cư thiên
Đoạn Kinh này cho ta Thấy các vị Thánh Bất Lai tái sanh về các cõi Tịnh Cư thiên, hiện đang sống ở cõi này, để tu tập chứng A-la-hán rất nhiều. Do tuổi thọ rất lâu, nên có rất nhiều vị là đệ tử Thế Tôn Vipassì, Đức Phật quá khứ cách 91 Kiếp. Cho đến các vị là đệ tử Đức Phật Thích Ca hiện tại.
Năm Cõi Tịnh Cư
Cõi Tịnh Cư này là cõi của bậc Bất-lai và bậc A-la-hán (vị Thánh Bất-lai tái sanh lên và tu chứng A-la-hán chưa nhập Niết-bàn), tức là những bậc có sự thanh tịnh.
Còn những người khác ngoài ra, dù chứng Ngũ-thiền (Hoặc Tứ-thiền do gộp chi thiền tầm-tứ thành nhị thiền), nhưng vẫn không sanh vào được. (Không phải bậc Thánh Bất Lai)
Người sanh vào cõi Tịnh cư này phải là bậc Thánh Bất-lai, dù đó là người, Chư Thiên hay Phạm Thiên cũng vậy, và phải chứng đắc Ngũ-thiền.
Sở dĩ Ngũ-tịnh-cư có 5 cõi, là do mãnh lực của 5 quyền:
– Vị có Tín quyền mạnh hơn 4 quyền kia, sẽ sanh về cõi Vô-phiền.
– Vị có Tấn quyền trội hơn, sẽ sanh về cõi Vô-nhiệt.
– Vị có Niệm quyền mạnh hơn cả, sẽ sanh về cõi Thiện-hiện.
– Vị có Định quyền mạnh hơn cả, sẽ sanh về cõi Thiện-kiến.
– Vị có Tuệ quyền mạnh hơn cả, sẽ sanh về cõi Sắc Cứu Cánh
Điều này được trình bày trong aṅgaha aṭṭhakathā và Vibhāvanīṭīkā như sau: “Anāgāmino para suddhāvāsesu uppajjanti (Saṅgaha aṭṭhakathā)”.
– Saddhādi indriya vemattānukkamena pañcasu suddhāvāsesu uppajjhanti (Vibhāvanīṭīkā).
Quý Phật Tự tải file về để đọc trọn bộ 14. KINH ÐẠI BỔN (Mahàpadàna Sutta) – Kinh Trường Bộ – PDF – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ nhé.
Quý Phật tử muốn xem và nghe Toàn Bộ Kinh Nikaya Nam Truyền Vẫn Giữ Những Lời Phật Thuyết: Thỉnh Kinh
Kinh Sa Môn Quả – Trường Bộ Kinh – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF
Kinh Tam Minh – Trường Bộ Kinh – Hòa Thường Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF
Kinh Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF
Kinh Phạm Võng – Kinh Trường Bộ – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ
Kinh Lohicca (Lô-Hi-Gia) – Kinh Trường Bộ – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ Kinh
Đế Thích Sở Vấn – Kinh Trường Bộ – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ PDF
Kính chúc Quý Phật tử Cuộc sống tốt đẹp – Tâm hoan hỷ Thân khinh an!
14. KINH ÐẠI BỔN (Mahàpadàna Sutta) – Kinh Trường Bộ – PDF – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt Ngữ.